[GÓC NHÌN CƠ BẢN] BÀI 10: NHẬN DIỆN SỚM RỦI RO NHỮNG DOANH NGHIỆP MẤT CÂN ĐỐI TÀI CHÍNH - toannguyenstock

Huấn luyện và đào tạo thực hành đầu tư chứng khoán trên thị trường thực tế.

Hot

Post Top Ad

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

[GÓC NHÌN CƠ BẢN] BÀI 10: NHẬN DIỆN SỚM RỦI RO NHỮNG DOANH NGHIỆP MẤT CÂN ĐỐI TÀI CHÍNH

[GÓC NHÌN CƠ BẢN]
BÀI 10: NHẬN DIỆN SỚM RỦI RO NHỮNG DOANH NGHIỆP MẤT CÂN ĐỐI TÀI CHÍNH
Các bạn nghĩ sao về việc doanh nghiệp đi vay ngắn hạn (<1 năm) để tài trợ cho các dự án dài hạn 5 năm, 10 năm…? Chuyện gì sẽ xảy ra khi đến thời hạn thanh toán? Trong khi các dự án còn đang dở dang, chưa tạo ra lợi nhuận thì doanh nghiệp đã phải lo nguồn tiền để trả nợ. Không sớm thì muộn, việc này tiềm ẩn rủi ro rất lớn và đem đến áp lực về khả năng thanh toán cho doanh nghiệp trong tương lai. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể nhận biết sớm những doanh nghiệp như vậy? Đây chính là vấn đề cân đối tài chính, hôm nay mình sẽ viết sâu hơn về chủ đề này như các bạn đã yêu cầu trong các bài trước.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh thì đều cần phải có tài sản đúng không nào? Đọc BCĐKT các bạn cũng biết tài sản bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Tương ứng với tài sản sẽ là nguồn vốn hình thành tài sản như nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn vay hay nguồn vốn chiếm dụng…
Nói một cách đơn giản thì cân đối tài chính (tình hình đảm bảo vốn cho HĐKD) chính là sự cân đối giữa tài sản và nguồn hình thành tài sản (nguồn vốn) của công ty. Chúng ta có thể đánh giá tình hình cân đối tài chính của doanh nghiệp theo 2 quan điểm sau: Quan điểm ổn định nguồn tài trợ và quan điểm luân chuyển vốn. Trong bài viết này mình sẽ nói về quan điểm ổn định nguồn tài trợ trước. Theo tính ổn định của nguồn tài trợ, nguồn vốn của doanh nghiệp bao gồm hai loại: nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn.
Nguồn vốn ngắn hạn là nguồn tài trợ mà doanh nghiệp sử dụng tạm thời vào hoạt động trong một thời gian ngắn nên còn gọi là nguồn tài trợ tạm thời. Nguồn vốn ngắn hạn (nguồn vốn tạm thời) bao gồm các khoản nợ ngắn hạn.
Nguồn vốn dài hạn là nguồn vốn mà doanh nghiệp được sử dụng lâu dài trong quá trình hoạt động. Nguồn vốn này thường xuyên tồn tại ở doanh nghiệp trong một chu kỳ kinh doanh để tài trợ cho tài sản sử dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy nguồn vốn dài hạn còn gọi là nguồn vốn tài trợ thường xuyên. Nguồn vốn dài hạn (nguồn tài trợ thường xuyên) bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn.
Theo cách tiếp cận này, nguyên tắc cân đối tài chính là: Nguồn vốn ngắn hạn thì dùng để tài trợ cho các tài sản ngắn hạn, còn nguồn vốn dài hạn thì dùng để tài trợ cho các tài sản dài hạn.Trong phân tích người ta thường dùng chỉ số Vốn lưu động ròng (VLĐR).
Công thức tính vốn lưu động ròng như sau:
Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn
Hoặc
Nguồn vốn dài hạn – Tài sản dài hạn
Sẽ có 3 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: VLĐR > 0 (Hình 1).
Doanh nghiệp không những đủ vốn dài hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn mà còn thừa để tài trợ cho các nhu cầu ngắn hạn thể hiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán tốt, có thể trang trải cho các khoản nợ ngắn hạn. Vì vậy, đây là trường hợp doanh nghiệp đảm bảo nguồn vốn an toàn.
Trường hợp 2: VLĐR = 0 (Hình 2).
Đây là trường hợp lý tưởng nhất nếu doanh nghiệp thực hiện được theo nguyên tắc này: tài sản ngắn hạn được tài trợ bởi nguồn vốn ngắn hạn tương ứng và tài sản dài hạn được tài trợ bởi nguồn vốn dài hạn tương ứng.
Trường hợp 3: VLĐR < 0 (Hình 3).
Đây là phần mình muốn nhấn mạnh nhất trong bài viết này. Đối lập với cân đối tài chính là “mất cân đối tài chính”. Vậy mất cân đối tài chính là gì? Với trường hợp này, doanh nghiệp đang dùng các khoản vay ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn. Điều này thể hiện doanh nghiệp bị mất cân đối tài chính do tài sản dài hạn có thời gian thu hồi vốn lâu trong khi các khoản nợ ngắn hạn sẽ phải trả trong thời gian sớm hơn. Khá nguy hiểm vì khi hết hạn vay, doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn khác để thay thế. Nếu tình trạng này liên tục xảy ra thì sự tồn tại của doanh nghiệp sẽ bị đe dọa, dẫn tới rủi ro mất khả năng thanh toán, có thể đẩy tới tình thế là phải bán tài sản cố định. Tất nhiên một doanh nghiệp sử dụng nợ ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn như là một chiến lược giảm chi phí sử dụng vốn vì vay ngắn hạn thường có lãi suất thấp hơn vay dài hạn. Tuy nhiên, việc này rất rủi ro và chỉ thích hợp với các công ty có đầu ra sản phẩm và dòng tiền ổn định.
Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) là một ví dụ điển hình cho tình trạng mất cân đối tài chính này:
Nhìn vào BCĐKT của HNG, bắt đầu từ giai đoạn 2017 đến nay: Giá trị tài sản ngắn hạn luôn nhỏ hơn giá trị nợ ngắn hạn (Hình 4+5) tức là VLĐR <0, doanh nghiệp phải lấy nợ ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn. Đây là một trong những dấu hiệu của doanh nghiệp bị mất cân đối tài chính. Hơn nữa, HNG duy trì một trạng thái vốn lưu động ròng âm qua nhiều năm, tiềm ẩn những rủi ro cực lớn về khả năng thanh toán trong tương lai. Có thể thấy, trong thời gian gần đây trước áp lực lãi vay ngày càng gia tăng, nhiều khoản nợ đến hạn, áp lực tìm nguồn tiền để trang trải công nợ, HNG liên tục phải bán tài sản: chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Đông Pênh, chuyển nhượng Công ty Đông Dương cho Thadi… (Hình 6) để có nguồn tiền mặt giải quyết các nhu cầu cấp bách. Nếu cứ tình hình này tiếp diễn, HNG sẽ luôn ở trong tình trạng bị động về nguồn vốn, mất đi sự chủ động trong các kế hoạch kinh doanh của mình.
Hi vọng qua bài viết này mọi người đã biết cách phân tích tình hình VLĐR để có thể đánh giá phần nào sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp. Nếu VLĐR có xu hướng giảm dần và đặc biệt chuyển sang âm lớn thì điều này đang báo hiệu sự xuất hiện ngày càng rõ rệt tình trạng doanh nghiệp bị mất cân đối tài chính. Nếu các bạn muốn tiếp tục tìm hiểu phân tích tình hình đảm bảo vốn theo quan điểm luân chuyển nguồn vốn thì đưa ra ý kiến nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad