[GÓC NHÌN CƠ BẢN] BÀI 2: NỢ CAO CHƯA CHẮC ĐÃ XẤU??? - toannguyenstock

Huấn luyện và đào tạo thực hành đầu tư chứng khoán trên thị trường thực tế.

Hot

Post Top Ad

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

[GÓC NHÌN CƠ BẢN] BÀI 2: NỢ CAO CHƯA CHẮC ĐÃ XẤU???

[GÓC NHÌN CƠ BẢN]
BÀI 2: NỢ CAO CHƯA CHẮC ĐÃ XẤU???
Các doanh nghiệp vay nợ ở mức độ nào được coi là chấp nhận được? Như ở bài viết trước mình đã nói, thông thường thì ở mức 60/40. Tuy nhiên, đừng vội vàng khi tính ra hệ số nợ quá cao mà bỏ qua những bước này, bạn sẽ bị lỡ đi những cơ hội tốt đó. Bây giờ mình sẽ phân tích cụ thể hơn nhé!
1. ĐÒN BẨY CAO NHƯNG CHỦ YẾU LÀ NỢ CHIẾM DỤNG VỐN BÊN THỨ 3
Khi nói đến nợ, trong đầu mọi người nghĩ ngay đến nợ là sẽ đi vay và phải trả lãi theo kỳ. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nếu như các khoản nợ trên là nợ chiếm dụng từ các nguồn khác (doanh nghiệp không mất chi phí sử dụng vốn) thì sao? Là TỐT đúng không? Vậy các khoản mục này nằm ở đâu trong tổng nợ?
ĐÓ là phải trả người bán, người mua trả tiền trước, phải trả người lao động, thuế và các khoản phải nộp Nhà Nước… Dưới đây, mình sẽ giải thích rõ hơn các loại hình chiếm dụng vốn mà các doanh nghiệp thường hay sử dụng này:
 Chiếm dụng vốn của khách hàng
Chiếm dụng vốn của khách hàng là doanh nghiệp có thể nhận tiền ứng trước hay tiền đặt cọc của khách hàng và số tiền này sẽ được ghi tương ứng khoản mục người mua trả tiền trước trong báo cáo tài chính. Người mua trả tiền trước không những giảm rủi ro trong việc thu tiền từ người mua mà còn cho doanh nghiệp một lượng tiền ngay để có thể sử dụng vào việc sản xuất. Thông thường những DN BĐS sẽ có khoản người mua trả tiền trước chiếm tỷ trọng lớn vì đây chính là các khoản đặt cọc của khách hàng. Nếu bạn phân tích một DN BĐS thì chắc chắn bạn sẽ phải đánh giá khoản mục này.
 Chiếm dụng vốn của nhà cung cấp
Chiếm dụng vốn của nhà cung cấp cũng là một hình thức được nhiều doanh nghiệp sử dụng thông qua nợ tiền hàng của nhà cung cấp. Số tiền chiếm dụng này sẽ được ghi tương ứng khoản mục phải trả người bán trong báo cáo tài chính. Những doanh nghiệp thương mại thường có khoản mục này chiếm tỷ trọng lớn (VD: MWG, DGW,…)
 Chiếm dụng vốn của Nhà nước
Doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhà nước thông qua việc chậm nộp các khoản thuế và các khoản lệ phí phải nộp khác, được ghi nhận trong khoản mục Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
 Chiếm dụng vốn của người lao động: Đây chính là các khoản nợ lương, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của người lao động, được ghi nhận trong khoản phải trả người lao động.
Tất nhiên, doanh nghiệp không thể coi đây là những nguồn vốn huy động chính nhưng khi sử dụng khoản vốn này công ty sẽ KHÔNG phải trả chi phí sử dụng như mình đã nói ở trên. Và cũng không vì thế mà công ty có thể lạm dụng nó vì đây là nguồn vốn mà doanh nghiệp chỉ có thể chiếm dụng tạm thời. Tùy từng nguồn mà việc sử dụng sẽ có mức độ rủi ro khác nhau. Ví dụ như việc chiếm dụng vốn từ nhà cung cấp với tần suất chiếm dụng mà quá nhiều thì dễ gây mất uy tín của doanh nghiệp hay với các khoản thuế trả chậm thì cũng dễ nhận phải những hình phạt từ phía chính quyền. Và chúng ta cũng cần lưu ý những khoản này mà có dấu hiệu phình to quá lớn và trong khoảng thời gian dài thì đó là điều thực sự cần phải xem xét.
Ví dụ cụ thể cho trường hợp chiếm dụng vốn của khách hàng mình sẽ sử dụng báo cáo tài chính quý 3/2019 của NDN làm mẫu:
Trước tiên ta tính hệ số sợ của NDN cũng lên đến 70%, đây là mức khá cao. Tiếp theo chúng ta cùng nhìn vào các khoản mục con nhé. Nợ ngắn hạn chiếm 98% tổng nợ phải trả, trong đó phần lớn lại là Tiền trả trước của khách hàng, ta có thể nhìn thấy trên BCTC con số gần 1 tỷ 376tr (Hình 1) chủ yếu đến từ Dự án Monarchy Block B. Đây chính là khoản chiếm dụng FREE của khách hàng, nhìn sang phần tài sản thì có thể NDN để số tiền này dưới dạng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (Hình 2), tính ra phần lợi nhuận từ lãi vay 1 năm cho khoản này với lãi suất gửi ngân hàng hiện nay cũng tầm 60-70 tỷ. Tính toán một chút, lợi nhuận từ HĐTC quý 3/2019 của NDN lên đến gần 18tỷ710tr, trong đó LNTT là 19tỷ754tr. Có thể thấy quý này nguồn thu lớn của NDN là đến từ HĐTC.
2. ĐÒN BẨY CAO NHƯNG LẠI ĐƯỢC ƯU ĐÃI VỀ LÃI SUẤT VAY
Vốn vay là nguốn vốn có áp lực trả nợ rất lớn tuy nhiên việc đi vay với mục đích sử dụng đúng đắn, có kế hoạch trả nợ hợp lý cùng với khả năng thanh toán tốt sẽ đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp. Ví dụ, khi đầu tư vào tài sản cố định, các doanh nghiệp thường sử dụng nguồn vay dài hạn và cố gắng thương lượng với lãi suất thấp. Và đặc biệt những doanh nghiệp được hưởng lãi suất ưu đãi thì khoản mục này chúng ta có thể yên tâm hơn.

Ví dụ cho trường hợp này: mình sẽ xem tình hình vay vốn của BDT. Trong phần vay và nợ thuê tài chính, có phần nguồn vốn vay của quỹ đầu tư phát triển tỉnh Đồng Tháp với lãi suất vay 0% (Hình 3). Không phải doanh nghiệp nào cũng được vay với mức lãi suất hấp dẫn như vậy, nhưng nếu thuộc đối tượng ưu tiên thì đây là khoản vay cực kỳ hấp dẫn. Doanh nghiệp sẽ không phải chịu gánh nặng chi phí tài chính trong thời gian vay vốn. Và để nắm rõ thông tin lãi suất những khoản vay này thì mọi người chú ý trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.
3. ĐÒN BẨY CAO NHƯNG LẠI DO ĐẶC THÙ NGÀNH
- Mình cũng lưu ý với mọi người thêm, khi so sánh hệ số nợ thì cần phải so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành. Với một số trường hợp đặc biệt, khi phân tích các doanh nghiệp đặc thù trong lĩnh vực ngân hàng, các công ty tài chính hay các doanh nghiệp BĐS Khu công nghiệp thì hệ số nợ của nó cũng phải cao hơn, chúng ta không thể đánh đồng với doanh nghiệp sản xuất được.
Tóm lại, việc nhìn sâu hơn vào các khoản mục sẽ giúp chúng ta bớt có cái nhìn phiến diện về nợ phải trả của công ty. Từ đó có thể đưa ra đánh giá mang tính khách quan hơn đúng không nào?
Mọi người có muốn mình chia sẻ tiếp những dạng bài về phân tích tài chính thế này nữa không? )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad