[GÓC NHÌN CƠ BẢN] BÀI 4: DOANH NGHIỆP MUA LẠI CỔ PHIẾU QUỸ VỚI MỤC ĐÍCH GÌ? - toannguyenstock

Huấn luyện và đào tạo thực hành đầu tư chứng khoán trên thị trường thực tế.

Hot

Post Top Ad

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

[GÓC NHÌN CƠ BẢN] BÀI 4: DOANH NGHIỆP MUA LẠI CỔ PHIẾU QUỸ VỚI MỤC ĐÍCH GÌ?

[GÓC NHÌN CƠ BẢN]
BÀI 4: DOANH NGHIỆP MUA LẠI CỔ PHIẾU QUỸ VỚI MỤC ĐÍCH GÌ?
Tỷ phú Warren Buffett là người đặc biệt ưa thích đầu tư vào những doanh nghiệp dùng tiền mặt để mua lại cổ phiếu quỹ. Vậy doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ với mục đích gì và hành động này sẽ làm ảnh hưởng như thế nào đến giá cổ phiếu mà bạn đang đầu tư? Hôm nay mình sẽ nói chi tiết hơn về vấn đề này!
Trước tiên, chúng ta cần phải biết cổ phiếu quỹ là gì?
Rất dễ hiểu, cổ phiếu quỹ chính là cổ phiếu do công ty cổ phần đã phát hành và được chính công ty mua lại.
Làm thế nào để biết giá trị cổ phiếu quỹ mà công ty đang nắm giữ? Nó được thể hiện trong mục Cổ phiếu quỹ trong BCĐKT (Hình 1).
Vậy doanh nghiệp mua lại cổ phiễu quỹ với mục đích gì?
Mục đích thứ nhất, giảm cung cổ phiếu để hỗ trợ thị giá.
Công ty dùng nguồn tiền mặt (chưa có mục đích sử dụng) để mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Chính vì số lượng cổ phiếu quỹ này không được tính vào số cổ phiếu đang lưu hành nên hành động này sẽ giúp “cô đặc”, làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường xuống, từ đó làm tăng hệ số thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS). Hệ số P/E và các chỉ tiêu sinh lời ROA, ROE... của doanh nghiệp cũng trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư. Đây là động cơ rất hay được các doanh nghiệp đề cập đến.
Ví dụ như gần đây nhất là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) đã công bố thông tin về việc mua cổ phiếu quỹ (Hình 2). Theo đó, Vĩnh Hoàn dự kiến mua vào tối đa 2 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Nguyên nhân được công ty thông báo là do thị giá cổ phiếu VHC đang ở mức thấp và không phản ánh đúng giá trị của công ty. Đồng thời, công ty cũng đang có nguồn vốn giữ lại và thặng dư vốn cổ phần lớn. Vì vậy Vĩnh Hoàn quyết định mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cho cổ đông.
Thứ hai, mua giá thấp bán giá cao để huy động vốn.
Với nhiều doanh nghiệp, mua lại cổ phiếu được xem là chiến lược đầu tư tối ưu khi có nguồn tiền thặng dư mà chưa tìm kiếm được cơ hội kinh doanh phù hợp. Thay vì gửi tiết kiệm hưởng lãi suất ngân hàng, hay đầu tư tài chính vào DN khác …thì việc lựa chọn mua cổ phiếu của chính DN là một giải pháp an toàn vì ban lãnh đạo đã hiểu rõ mô hình kinh doanh, thấy giá cổ phiếu của công ty đang giao dịch dưới giá trị thực và nhìn ra tiềm năng tăng trưởng. Lúc này doanh nghiệp có thể mua lại cổ phiếu ở mức giá thấp, đợi đến khi giá lên cao hơn thì bán số cổ phiếu quỹ này ra, qua đó huy động thêm được vốn hoạt động. Bên cạnh đó, cũng hạn chế tình trạng pha loãng cổ phiếu như khi phát hành mới.
Ví dụ: Đại gia nắm giữ khối cổ phiếu quỹ lớn nhất phải kể đến CTCP Tập đoàn Masan (MSN). Trong thời gian từ 16/10 đến 14/11/2017 MSN đã mua 100.665.722 cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu quỹ nắm giữ từ hơn 9,23 triệu đơn vị lên gần 109,9 triệu cổ phiếu với tổng giá trị sổ sách 6.518 tỷ đồng, tương đương với giá vốn trung bình 59.000 đồng/cp (Hình 3). Sau khi mua lại với “giá rẻ”, MSN tiến hành bán lượng cổ phiếu này với giá rất cao cho SK Group vào ngày 02/10/2018 tại mức giá 100.000 đồng/cp thu về gần 11.000 tỷ đồng (Hình 4). Thương vụ “mua đi bán lại” này đã mang lại cho MSN một số tiền rất lớn.
Thứ ba, với mục đích tăng tỷ lệ biểu quyết.
Vì cổ phiếu quỹ không có quyền biểu quyết nên việc mua cổ phiếu quỹ làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết và vô hình chung làm cho các cổ đông còn lại tăng tỷ lệ biểu quyết lên mặc dù tỷ lệ sở hữu của họ vẫn thế. Trong quá khứ, có rất nhiều trường hợp nhóm chủ công ty niêm yết tăng quyền kiểm soát công ty bằng cách cho công ty đó mua cổ phiếu quỹ thay vì nhóm chủ tự đứng ra mua thâu tóm cổ phiếu trên sàn.
Trường hợp của Công ty Cổ phần Vicostone (VCS) có lẽ là trường hợp điển hình nhất. Câu chuyện này mình cũng đã nhắc đến trong bài viết trước. Sau nhiều năm lùm xùm xung đột giữa các nhóm cổ đông, tháng 6/2014, cổ đông nước ngoài rút hết vốn tại Vicostone và chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) – tập đoàn sau đó lại bị “thâu tóm” bởi chính người của Vicostone - Chủ tịch Hồ Xuân Năng. Sau khi Phenikaa hoàn tất nâng sở hữu lên 58%, Vicostone đã tiến hành mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó gián tiếp làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%, đủ quyền quyết định toàn bộ vấn đề tại Vicostone.
Vậy có phải khi nhận được thông tin DN mua lại cổ phiếu quỹ thì chúng ta sẽ hồ hởi mua theo. Đây có phải hoàn toàn là một tín hiệu tốt?... Chúng ta cần bình tĩnh xem xét lại. Thực tế cho thấy không phải lúc nào có thông tin doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ là giá cổ phiếu của công ty đó sẽ tăng . Lí do ở đây là gì? Mọi người đón đọc ở bài viết sau nhé!
-Thắm Nguyễn-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad