[GÓC NHÌN CƠ BẢN] BÀI 5: ĐỪNG VỘI VÀNG KHI THẤY DOANH NGHIỆP CÔNG BỐ THÔNG TIN MUA LẠI CỔ PHIẾU QUỸ - toannguyenstock

Huấn luyện và đào tạo thực hành đầu tư chứng khoán trên thị trường thực tế.

Hot

Post Top Ad

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

[GÓC NHÌN CƠ BẢN] BÀI 5: ĐỪNG VỘI VÀNG KHI THẤY DOANH NGHIỆP CÔNG BỐ THÔNG TIN MUA LẠI CỔ PHIẾU QUỸ

[GÓC NHÌN CƠ BẢN]
BÀI 5: ĐỪNG VỘI VÀNG KHI THẤY DOANH NGHIỆP CÔNG BỐ THÔNG TIN MUA LẠI CỔ PHIẾU QUỸ
Hôm nay mình sẽ tiếp tục viết về chủ đề CỔ PHIẾU QUỸ. Như đã nói đã ở bài 4, DN mua lại cổ phiễu quỹ với 1 trong 3 mục đích chủ yếu sau: giảm lượng cung cổ phiếu để hỗ trợ thị giá; mua giá thấp bán giá cao để huy động vốn; tăng tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết của cổ đông. Có thể thấy, những tác động tích cực của việc mua cổ phiếu quỹ là không cần bàn cãi. Vậy có phải khi nhận được thông tin DN mua lại cổ phiếu quỹ thì chúng ta sẽ hồ hởi mua theo? Đây có phải hoàn toàn là một tín hiệu tốt?...
Thực tế cho thấy không phải lúc nào doanh nghiệp công bố thông tin mua lại cổ phiếu quỹ là giá cổ phiếu đó cũng tăng. Chúng ta cần bình tĩnh xem xét lại, vậy lí do ở đây là gì?
Khi doanh nghiệp phát đi thông báo mua lại cổ phiếu quỹ thì NĐT, đặc biệt là NĐT nhỏ lẻ cần chú ý những trường hợp sau:
Xem Doanh nghiệp có đủ tiền hay không?
Mua cổ phiếu quỹ sẽ làm tốn một khoản tiền mặt không nhỏ của DN. Một câu hỏi đặt ra là: Nếu DN đang trong tình trạng thiếu vốn mà lại mua cổ phiếu quỹ thì có hợp lý hay không? Khi DN công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ thì thường nói nguồn vốn thực hiện là từ lợi nhuận chưa phân phối hay thặng dư vốn,… nhưng trên thực tế, tiền mặt lại không có nhiều, thậm chí nhiều công ty còn đang phải vay vốn để kinh doanh. Như vậy, việc cố mua cổ phiếu quỹ trong lúc hoạt động kinh doanh không khả quan, tiền mặt không dư dả, thậm chí là đang gánh nợ thì sẽ có tác dụng ngược, có thể khiến cho dòng tiền càng ngày càng suy kiệt, tình hình tài chính càng trở nên căng thẳng và rủi ro hơn.
Ví dụ như trường hợp CTCP đầu tư dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH). Đến hết tháng 1/2018, công ty đã chi ra 220 tỷ đồng mua vào 9,7 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Trong thời gian đăng ký và mua cổ phiếu quỹ, giá cổ phiếu cũng có một đợt tăng mạnh (Hình 1). Nhưng chỉ ngay sau đó vài tháng, TCH lại tiếp tục lên kế hoạch mua tiếp 20 triệu cổ phiếu quỹ (Hình 2). Nếu thực hiện thành công giao dịch này, ước tính TCH phải bỏ thêm 440 tỷ tiền mặt nữa, tổng cộng hai lần mua lại, TCH sẽ phải chi ra 660 tỷ đồng, lớn hơn khoản tiền và tương đương tiền trong BCTC tại thời điểm 31/12/2017 của công ty là 456 tỷ đồng (Hình 3). Có thể thấy, nếu việc mua cổ phiếu quỹ này được thực hiện như kế hoạch thì sẽ khiến doanh nghiệp mất đi khoản tiền đề phòng bù đắp cho việc đầu tư trung và dài hạn, rủi ro cũng có thể đến bất cứ lúc nào.
Xem xét số lượng cổ phiếu mua?
Trong trường hợp thị trường đang trong xu hướng giảm mạnh thì việc mua cổ phiếu quỹ với số lượng không đủ lớn sẽ không thể kìm được đà rớt giá. Điều này đồng nghĩa với việc mua cổ phiếu quỹ có thể gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp, cũng như cho cổ đông.
Ví dụ như trường hợp của CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG). Kể từ ngày 1/3, giá cổ phiếu YEG đã có chuỗi phiên giảm sàn liên tiếp, lao đốc từ mức 249.800 đồng/cp sau sự cố liên quan đến Youtube, YEG đã hành động mua vào cổ phiếu để giải cứu. Tuy nhiên, động thái này cũng không giúp cổ phiếu YEG thoát cảnh dò đáy. (Hình 4)
Hình thức mua: Khớp lệnh hay thỏa thuận?
Trên những bản công bố thông tin đăng ký mua cổ phiếu quỹ, DN sẽ nói hình thức giao dịch khớp lệnh hay thỏa thuận. Mọi người cần lưu ý với hình thức giao dịch thỏa thuận thì không tạo lực cầu trực tiếp đẩy giá cồ phiếu lên, đôi khi đây chính là kẽ hở để các cá nhân lợi dụng. Khi một hay nhiều cổ đông lớn muốn thoái vốn trong lúc giá xuống, thanh khoản giảm thì việc tìm được một người mua thỏa thuận vài trăm nghìn cổ phiếu là rất khó. Nên họ đã lợi dụng tư cách công ty thực hiện mua lại chính lượng cổ phiếu của mình (đứng dưới tên của người khác). Kết quả là giá giao dịch trên sàn vẫn rơi và cổ đông nhỏ lẻ không được hưởng lợi.
Lịch sử quá khứ ban lãnh đạo như thế nào?
Ý của mình muốn nói ở đây là doanh nghiệp “nói một đằng, làm một nẻo”. Hãy thận trọng và cảnh giác trước những thông tin hoành tráng được công bố. Rất nhiều chủ doanh nghiệp chơi đòn gió, bẫy nhà đầu tư, thông báo mua cổ phiếu quỹ với khối lượng rất lớn và giá cao nhằm đẩy giá lên, nhưng rồi lại không mua hoặc mua rất ít, làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Trong quá khứ có GAS, IDI, ASM, HAG, NTL,… đều là các mã đăng ký mà không mua hết với rất nhiều lí do khác nhau. Có thể kể đến trường hợp CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đăng ký mua lại 10 triệu CPQ (Hình 5) nhưng rồi sau đó lại hủy kế hoạch (Hình 6). Lý do HAG đưa ra là cần dồn tiền tập trung vào các dự án mới. Những doanh nghiệp cho cổ đông "ăn bánh vẽ” này chắc hẳn đã ít nhiều đánh mất uy tín trên thị trường.
Tóm lại, chúng ta hãy luôn đủ tỉnh táo, khi doanh nghiệp đưa ra thông tin mua cổ phiếu quỹ thì không nên vội vàng phản ứng bằng cách ngay lập tức mua vào, mà hãy ngồi lại đánh giá, phân tích khả năng tài chính của doanh nghiệp qua các tiêu chí như lượng tiền mặt doanh nghiệp đang có, nhu cầu vốn trong thời gian sắp tới cũng như tỉ lệ nợ vay của doanh nghiệp… để xem liệu DN có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện hoạt động mua cổ phiếu quỹ này hay không?
-Thắm Nguyễn-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad